Hoạt động trong chiến tranh Vasily_Iosifovich_Stalin

Khi chiến tranh nổ ra, Vasily lập tức đã đến và yêu cầu cha mình cho phép mình ra mặt trận. Tuy nhiên, tháng 9 năm 1941, ông lại được bổ nhiệm vào chức vụ Trưởng ban kiểm tra Văn phòng Không quân của Hồng quân, một chức vụ an toàn và nhàn nhã ở hậu phương. Là một phi công giỏi, Vasily thường xuyên bị áp lực rằng mọi người nghĩ ông được an toàn nấp sau lưng cha mình.[7][8]

Mãi đến tháng 7 năm 1942, ông mới được điều động ra mặt trận và được bổ nhiệm làm chỉ huy Trung đoàn không quân đặc nhiệm số 1, Tập đoàn quân không quân số 8 thuộc Phương diện quân Stalingrad. Tháng 2 năm 1943, ông được đổi làm chỉ huy Trung đoàn Hàng không Chiến đấu số 32 (sân bay Lyubertsy), Sư đoàn Hàng không Chiến đấu 210, về sau chuyển thuộc Phương diện quân Tây Bắc.

Là con trai của nhà lãnh đạo Liên Xô, Vasily bị hầu hết các đồng chí trong đơn vị xa cách.[4] Tuy vậy, ông vẫn có được sự tôn trọng từ các đồng chí mình:

"Trung đoàn trưởng Vasily Stalin là một chỉ huy siêng năng, lắng nghe chúng tôi, những phi công giàu kinh nghiệm hơn. Là một chỉ huy trung đoàn, theo quyết định của mình, anh ta có thể tạo ra các phi vụ độc lập như một phần của bất kỳ phi đội nào, nhưng thường là vì lý do nào đó anh ta luôn bay như một phần trong đội hình. Trong tháng 2 - 3 năm 1943, chúng tôi đã bắn hạ hàng chục máy bay địch. Với sự tham gia của Vasily - ba. Hơn nữa, cần lưu ý rằng Vasily là người đầu tiên tấn công chúng, sau những cuộc tấn công này, các máy bay địch mất kiểm soát, và sau đó chúng tôi kết liễu chúng. Theo luật của các phi công chúng tôi, chúng có thể xem như là thành tích bắn hạ cá nhân của Vasily, nhưng anh ta lại xem như chúng bị bắn hạ trong thành tích tập thể. Tôi đã từng nói với anh ấy về điều này, nhưng anh ấy vẫy tay và nói ngắn gọn: "Bỏ qua!"
— Anh hùng Liên Xô S.F. Dolgushin.[7]

Vào mùa xuân năm 1943, ông được gửi trở lại Moskva, và được giao một vai trò thanh tra không quân, công tác chủ yếu ở tại Moskva. Chán nản trong vai trò này, Vasily gặp rắc rối sau sự cố ngày 4 tháng 4 năm 1943 khi ông làm rơi chất nổ xuống sông Moskva, tự làm mình bị thương và làm kỹ sư máy bay thiệt mạng.[4] Do vụ nổ, Vasily bị giáng chức xuống làm một phi công huấn luyện bay.[9]

Ngày 16 tháng 1 năm 1944, ông được điều động trở lại mặt trận, làm thanh tra phi công trong Quân đoàn Hàng không Chiến đấu số 1 (Tập đoàn quân Không quân 3, Phương diện quân Pribaltic 1). Ngày 18 tháng 5 năm 1944, ông được bổ nhiệm Tư lệnh Sư đoàn Hàng không Chiến đấu Cận vệ 3, thuộc Quân đoàn Hàng không Chiến đấu Cận vệ số 1. Sư đoàn dưới quyền chỉ huy của ông đã tham gia các chiến dịch giải phóng Minsk, Vilnius, Lida, Grodno, Panevėžys, ŠiauliaiJelgava.

"Sư đoàn đã tiến hành 22 trận không chiến, trong đó bắn hạ 29 máy bay địch (thiệt hại 3 phi công và 5 máy bay). Đại tá Cận vệ V.I. Stalin có kỹ thuật phi hành xuất sắc, yêu thích bay. Bay trên tất cả các loại máy bay chiến đấu. Cá nhân tham gia vào các trận chiến. Chiến thuật tốt. Anh ta có phẩm chất chỉ huy tốt. Anh xứng đáng nhận tuyên dương của chính phủ - Huân chương Cờ đỏ."
— Báo cáo tuyên dương ngày 1 tháng 7 năm 1944, do Tư lệnh Quân đoàn Hàng không Chiến đấu số 1, Trung tướng Không quân E.M. Beletsky, ký.

Ngày 22 tháng 2 năm 1945, ông được đổi sang làm Tư lệnh Sư đoàn Không quân Chiến đấu số 286, Tập đoàn quân Không quân 16 thuộc Phương diện quân Belorussia 1.[10] Sư đoàn dưới quyền chỉ huy của ông tham gia chiến dịch công phá Berlin.

"Trong suốt thời gian chiến dịch công phá Berlin diễn ra, các đơn vị của sư đoàn dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đại tá Cận vệ V.I. Stalin đã tiến hành 949 phi vụ. Mười lăm trận không chiến đã được thực hiện, trong đó bắn hạ 17 máy bay địch, hơn nữa, vào ngày đầu tiên của chiến dịch - 11, chỉ có một phi hành đoàn bị mất. Cá nhân, đồng chí Stalin, trong thời gian tham gia vào các mặt trận của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, đã thực hiện 26 nhiệm vụ chiến đấu và đích thân bắn hạ 2 máy bay địch. Xứng đáng được trao tặng Huân chương Suvorov hạng Nhì."
— Báo cáo tuyên dương ngày 11 tháng 5 năm 1945, do Tư lệnh Tập đoàn quân Không quân 16, Thượng tướng Không quân S.I. Rudenko, ký

Tổng cộng, theo nhiều tài liệu, trong suốt cuộc chiến, Vasily đã tham gia vào 29 nhiệm vụ chiến đấu, bắn hạ hai máy bay địch,[4] từng bị thương ở chân trong khi chiến đấu. Một số tài liệu khác lại ghi nhận ông chỉ tham gia 26 nhiệm vụ chiến đấu và đã bắn hạ 5 máy bay địch.[11] Ông được trao tặng 2 Huân chương Cờ đỏ, Huân chương Suvorov hạng Nhì và Huân chương Aleksandr Nevsky.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vasily_Iosifovich_Stalin http://rudocs.exdat.com/docs/index-49779.html?page... http://telegrafua.com/social/12275/ http://telegrafua.com/social/13117/ http://telegrafua.com/social/13172 http://www.hrono.info/biograf/bio_s/stalin_bio.php http://img1.1tv.ru/imgsize460x345/PR20110802115027... http://22-91.ru/upload/images/places/433d752bd66a0... http://www.allaces.ru/p/people.php?id=13155 http://www.allaces.ru/sssr/foto2/stalin04.jpg http://www.kommersant.ru/doc.aspx?DocsID=794500